Pages

Được tạo bởi Blogger.

5/11/13

Diễn biến của hội chứng hoại tử gan tụy trong ao nuôi tôm thâm canh ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

TẢI BÀI ĐẦY ĐỦ (PDF) VỀ MÁY TÍNH.
Hội chứng hoại tử gan tụy diễn biến khá phức tạp và gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm từ giữa năm 2010 đến nay. Tính đến đầu tháng 06/2011, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại ở ĐBSCL là 52.470 ha, chiếm hơn 98% diện tích tổng thiệt hại của cả nước. Trong đó, Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nhất với trên 19.800 ha tôm chết trên tổng diện tích đã thả gần 25.500 ha (chiếm 76% diện tích thả nuôi). Tôm chết tập trung ở giai đoạn 20-30 ngày tuổi, đây là cỡ tôm khi phát hiện bệnh người nuôi thường xử lý và xả bỏ. Dấu hiệu bệnh lý tập trung chủ yếu ở gan tụy, gan sưng nhũn nhạt màu hoặc teo dai.

Theo nghiên cứu có rất nhiều bệnh có thể làm ảnh hưởng đến gan tụy tôm. Bệnh hoại tử gan tụy Necrotizing Hepatopancreatitis (NHP) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính trên họ tôm he. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn thuộc lớp alphaproteobacteria, ký sinh nội bào bắt buộc thuộc nhóm Rickettsia. Dấu hiệu trên tôm bệnh gồm giảm ăn, ruột không có thức ăn, mềm vỏ, thịt mềm nhũn, gan tụy bị teo rất rõ (Lightner, 1996). Bệnh Hemocytic Enteritis (HE) có liên quan đến hiện tượng nở hoa của tảo Schrizothrix calcicola có trong cả nước ngọt và nước mặn có khả năng tiết ra nội độc tố làm hoại tử tế bào biểu bì của thành ruột dẫn đến viêm nặng và gan tụy bị hoại tử (Lightner và ctv., 1982). Nguyên nhân tôm chết có thể do không thể hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc có thể là do nhóm vi khuẩn cơ hội Vibrio tấn công, thường là V. alginolyticus. Bệnh do vi bào tử trùng Microsporidia là ký sinh trùng nội bào bắt buộc lây nhiễm trên nhiều ký chủ khác nhau. Có rất nhiều Microsporidia được cho là lây nhiễm trên ký chủ là giáp xác bao gồm Agmasoma, Amecon, Nosema, Pleistophora, Tuzetia, Thelohania, Flabelliforma, Glugoides, Vavraia, Ordospora, Nadelspora và Enterospora (Refardt và ctv., 2002; Moodie và ctv., 2003; Amogan và ctv., 2006). Bệnh nhiễm khuẩn do một số loài thường gặp như V. harveyi, V. parahaemolyticus và V. vulnificus….Trường hợp sức khỏe tôm không tốt, sức đề kháng bệnh giảm, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể tôm để gây bệnh.

10699071295_6cdece0107_o.png

Ngoài ra độc tố cũng làm ảnh hưởng đến gan tụy và gây chết hàng loạt tôm. Theo nghiên cứu ở Thailand khi nuôi tôm sú giống trong nước có chứa Cypermethrin với hàm lượng 0.005 μg/L thì sau 24h tôm chết 100%. Ở tôm sú (1-3g) với nồng độ 1ng/L Cypermethrin trong ao nuôi cũng có thể làm tôm chết hàng loạt khoảng 50% trong vòng 10 ngày thí nghiệm. Tôm sú giống sau 24h nuôi trong nước có chứa 15μg/L methy-parathion thì tỷ lệ chết lên đến 100% (Flegel và ctv., 1992). Khi quan sát lát cắt mô tôm nhiễm gây nhiễm với hai thuốc trừ sâu trên, cho thấy biến đổi bất thường, bao gồm hạch thần kinh bụng bị không bào hóa, hoại tử gan tụy. Trong nghiên cứu này, diễn biến của hội chứng hoại tử gan tụy được làm rõ thông qua việc khảo sát thu mẫu tôm trên nhiều trang trại với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Hội chứng hoại tử gan tụy gây chết hàng loạt tôm nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định diễn biến của hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi. 51 mẫu tôm thu theo định kỳ 10 ngày/lần và 35 mẫu thu lúc dịch bệnh được kiểm tra bằng phương pháp mô bệnh học. Dấu hiệu hoại tử gan tụy xuất hiện sớm nhất ở ngày thứ 17 và muộn nhất vào ngày thứ 77 sau khi thả tôm vào ao nuôi. Tần suất xuất hiện hoại tử cao nhất được ghi nhận từ 20-45 ngày. Tôm chết tập trung ở giai đoạn 19-31 ngày tuổi. Tất cả mẫu thu từ ao có tôm chết đều ghi nhận dấu hiệu hoại tử gan tụy khá cao và phải thu hoạch sớm ngay sau khi phát hiện hoại tử 2-3 ngày.

Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ hoại tử biến động lớn giữa các ao (từ 9-90%). Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của hội chứng gan tụy mặc dù khi chỉ phát hiện tỷ lệ hoại tử thấp. Tất cả các ao ghi nhận có dấu hiệu hoại tử đều phải thu hoạch sớm. Thời gian thu hoạch sớm nhất là 19 ngày, trung bình từ 2-2,5 tháng. Mẫu tôm thu từ các ao không có biểu hiện bệnh lý lúc thu mẫu cũng có tỷ lệ hoại tử 0-16%. Hiện tượng thu hoạch sớm cũng xảy ra trên nhóm ao này. Từ kết quả nghiên cứu có thể kết luận rằng khả năng hồi phục của tôm nuôi khi bị hoại tử gan tụy là không có. Ao nuôi đều phải thu hoạch sớm khi phát hiện dấu hiệu hoại tử.

Development of hepatopancreatitic necrosis syndorme in intensive shrimp ponds in Tran De district, Soc Trang province  

Hepatopancreatitic necrosis syndrome (HNS) caused mass mortality in shrimp cultured in Mekong Delta. This study was conducted to determine the evolution of HNS in shrimp cultured in Mekong Delta. Histopathological method was used to analyse 51 shrimp samples collected periodically every 10 days and 36 samples collected at disease outbreak. The earliest and latest signs of necrosis appeared on day 17 and 77 after stocking respectively. The highest frequency of necrosis appearance was recorded from 20 to 45 days after stocking. Mortality was concentrated in the period of 19-31 days of age. All shrimp samples collected at outbreak showed high prevalence of necrosis and lead to early harvesting after 2-3 days of necrosis detecting. It is interesting that the high variation of necrosis rate have been recorded between ponds (9-90%). This result shows the severity of HNS although only low necrosis rate was detected. The early harvesting has been applied in all shrimp ponds with signs of necrosis. The average time of harvest is from 60 to 75 days but some ponds have to harvest as early as 19 days. Shrimp samples collected from ponds showing no clinical signs also showed the necrosis rate of 0-16%. Early harvesting also occurred in these ponds. It can be concluded the impossiblility of recovery of shrimp from HNS. Ponds must be harvested when detecting of necrosis signs.
 
Nguồn tin: Lê Hồng Phước, Lê Hữu Tài, Nguyễn Văn Hảo. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Thủy sản Toàn quốc lần thứ IV (ngày 16/12/2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét