Pages

Được tạo bởi Blogger.

14/11/13

Ảnh hưởng của mật độ lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm chân trắng SPF nuôi thương phẩm trong bể composit trong nhà (Litopenaeus vannamei)

NHẤP CHUỘT VÀO TIÊU ĐỀ BÀI VIẾT ĐỂ TẢI BÀI ĐẦY ĐỦ (PDF) VỀ MÁY TÍNH
Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) là đối tượng nuôi quan trọng trên thế giới với sản lượng chiếm khoảng 90% sản lượng tôm nuôi (Wurmann và cs., 2004). Ở Việt Nam, tôm chân trắng mới được di nhập từ năm 2002 nhưng đã nhanh chóng trở thành đối tượng nuôi chính do có ưu điểm vượt trội hơn so với tôm sú bản địa về tốc độ sinh trưởng nhanh và thời gian nuôi ngắn (Vũ Văn In và cs., 2012). Tuy nhiên, sau những thành công ban đầu, dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện và gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi (Vũ Văn In và cs., 2012). Một trong những nguyên nhân chính là do tôm giống kém chất lượng và có thể bị nhiễm mầm bệnh trước khi thả nuôi (Tổng cục thủy sản, 2012). Do đó, muốn phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững phải tạo ra được nguồn tôm giống có chất lượng tốt và sạch bệnh để cung cấp cho người nuôi. Tôm sạch bệnh không những có tốc độ sinh trưởng cao hơn mà còn có hệ số thức ăn thấp hơn nhiều so với tôm giống thông thường (Wyban, 2009).

Nuôi tăng trưởng từ tôm giống lên tôm thương phẩm là một giai đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất giống tôm chân trắng SPF. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm trong giai đoạn nuôi tăng trưởng như môi trường (Scarpa và Vaughan, 1998; McGraw và cs., 2002), thức ăn (Daranee và Davis, 2011; Markey, 2007) và mật độ nuôi (Ponce-Palafox và cs., 2010; Marcelo và cs., 2008). Khi nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ nuôi lên tốc độ sinh trưởng và năng suất của tôm, Mena-Herrera và cs. (2006) cho rằng tôm nuôi ở mật độ cao cho sản lượng cao hơn tôm nuôi ở mật độ thấp nhưng tỷ lệ sống và cỡ tôm thu hoạch lại nhỏ hơn. Nhiều công trình nghiên cứu nuôi tôm chân trắng trong ao ngoài trời đã đề cập tới các mật độ nuôi khác nhau như: 130-150 PL10/m2 (Nyan Taw, 2010); 50-70 PL15/m2 (Mena-Herrera và cs., 2006); 75 PL15/m2 (Onanong và cs., 2006); 50-60 PL15/m2  (Thông tin Khoa học thủy sản số 4, 2002); 35 PL30/m2 (Daranee và Davis, 2011); 90-180 PL8/m2 trong điều kiện nước ngọt (Marcelo và cs., 2008); 50 - 61 PL15/m2 (Balakrishnan và cs., 2011); 17 - 45 PL15/m2 (Sookying và cs., 2011); 150 PL15/m2(FAO, 2004) và 10 - 40 PL15/m2 trong bể composit (Sandifer và cs., 2007). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của mật độ nuôi đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm giai đoạn từ PL15 lên cỡ thương phẩm trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học. Do vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm giai đoạn từ PL15 lên cỡ thương phẩm trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học là rất cần thiết để tìm ra mật độ nuôi thích hợp, nhằm góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm chân trắng SPF. Đây cũng là một khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình sản xuất tôm chân trắng bố mẹ SPF.

Thí nghiệm được bố trí ở ba mật độ khác nhau: 40, 60 và 80 PL15/m2 trong bể composit 4m2 trong nhà đối với tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) sạch bệnh (SPF) giai đoạn nuôi thương phẩm trong thời gian 75 ngày. Nhiệt độ dao động từ 28 - 31ºC, độ mặn từ 20-24‰, nuôi trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học. Thí nghiệm được lặp lại 3 lần, sử dụng thức ăn CP có hàm lượng đạm 38%, cho ăn ngày 4 lần, khẩu phần ăn hàng ngày 10-15% khối lượng thân tùy theo khả năng tiêu thụ thức ăn thực tế của tôm, thay nước định kỳ 50%/tuần. Kết quả tăng trưởng về khối lượng ở mật độ 40 con/m2 đạt cao nhất (1,54 g/tuần), tiếp đến là mật độ 60 con/m2 (1,47 g/tuần) và thấp nhất ở mật độ 80 con/m2 (1,16 g/tuần). Tương tự như trên, tỷ lệ sống cao nhất ở lô 40 con/m2 (79,7 ± 2,6%) và thấp nhất ở lô 80 con/m2 (70,3 ± 3,3%; P<0,05) nhưng không có sự sai khác đáng kể giữa hai mật độ 40 con/m2 (79,7 ± 2,6%) và 60 con/m2 (78,7 ± 2,9%; P>0,05). Hệ số phân đàn của tôm nuôi ở mật độ 40 con/m2 (7,27 ± 1,52%) và 60 con/m2 (8,22 ± 2,5%) thấp hơn đáng kể so với lô mật độ 80 con/m2 (12,9 ± 2,7%; P<0,05). Tuy nhiên, không có sự khác nhau đáng kể về hệ số thức ăn (FCR) ở 3 mật độ thí nghiệm (P>0,05). Các mẫu tôm phân tích đều âm tính với mầm bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), Taura (TSV), bệnh còi (MBV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô (IHHNV).

Effect of Stocking Density on Growth Rate and Survival of White Leg Shrimp, Litopenaeus Vannamei, Raised on Indoor Composite Tanks 

The effect of stocking density of white leg shrimp SPF (Litopenaeus vannamei) was carried out at different density of 40, 60 and 80 PL15/m2 for 75 days. Each treatment was replicated three times in 4m2 indoor composite tank system and feeding ratio of 10-15% body weight with CP pellets containing 38% crude protein and four times a day. During the experiment, water temperature varied between 28 and 31ºC, whereas salinity ranged from 20-24‰ in biosecurity condition. Water in the culture tanks was renewed 50% weekly. The highest growth rate in weight was found in treatment of 40 heads/m2 (1.54 g/week), followed by 60 heads/m2 (1.47 g/week) but the rate for 30 heads/m2 (1.16 g/week) was lowest. Similarly, the survival rate of shrimp stocking at 40 heads/m2 ranked highest (79.7 ± 2.6%), followed by 60 heads/m2 (78.7 ± 2.9%) and the lowest rate for the 80 heads/m2 (70.3 ± 3.3%; P<0.05). Nevertheless, there was no significant difference in the survival rate between shrimp raised at 40 heads/m2 and 60 heads/m2 (P>0.05). Size variation (CV) for 40 heads/m2 (7.27 ± 1.52%) and 60 heads/m2 (8.22 ± 2.5%) were considerably lower than that for 80 heads/m2 (12.9 ±2.7%; P<0.05). However, there was no considerable disparity in feed conversion rate among the three treatments (P>0.05). All shrimp sample tissues were found negative for WSSV, YHV, TSV, MBV and IHHNV.

Nguồn tin: Nguyễn Phương Toàn, Vũ Văn Sáng, Nguyễn Viết Vương, Nguyễn Quang Tuất, Đặng Thị Dịu, Đoàn Thị Nhinh, Trần Thế Mưu, Vũ Văn In. Tạp chí Khoa học và Phát triển 2013. Tập 11, số 2: 223-229

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét