Pages

Được tạo bởi Blogger.

3/4/14

Vì sao cá ngừ Việt Nam không thể làm sushi?

 (thesaigontimes.vn)
Câu cá ngừ đại đương là nghề phổ biến của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ, từ Bình Định tới Bình Thuận. Và Nhật Bản là thị trường tiêu thụ rất nhiều cá ngừ đại dương, để chế biến các món ăn tươi như sashimi, sushi. Ấy vậy nhưng cho đến nay, cá ngừ Việt Nam vẫn chưa thâm nhập được thị trường Nhật. Vì sao?

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN –PTNT) mới đây, Việt Nam đã đưa 4 con cá ngừ đại dương sang Nhật chào bán ở dạng cá nguyên con để làm các món sashimi, sushi…nhưng có đến 3 con không đạt chất lượng, còn 1 con chỉ lấy được 50% lượng thịt.

Vì thế, thay vì bán với giá 30 đô la Mỹ/kg để làm các món hải sản tươi, số cá trên chỉ được mua làm đồ hộp với giá 3 đô la Mỹ/kg, giảm 9 lần so với dự tính. Đây là một dẫn chứng rõ ràng cho thấy, nếu có biện pháp cải thiện chất lượng cá, ngư dân và người kinh doanh sẽ tăng được thu nhập và lợi nhuận lên nhiều lần.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN –PTNT cho biết, hiện cả nước có khoảng 3.500 tàu câu cá ngừ, sử dụng khoảng 35.000 lao động là ngư dân. Năm 2013 ngư dân đánh bắt được gần 16.000 tấn cá ngừ vây vàng mắt to. Số cá này chỉ được dùng để đóng hộp, phơi khô, làm chả cá… chỉ có một số rất ít cá ngừ nguyên con đủ tiêu chuẩn chế biến các món ăn tươi sống xuất sang thị trường Nhật Bản, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống của thị trường này rất lớn.

Có nhiều nguyên nhân khiến sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ, từ phía người kinh doanh và cũng như từ phía ngư dân. Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, các đại lý mua cá ngừ từ ngư dân hầu như không hiểu biết cơ bản về bảo quản cá sau khi bắt, thường chọn thời điểm mua cá vào gần giữa trưa, lại để cá trên nền đất… làm cho chất lượng cá giảm.

“Cũng phải nói thêm rằng, một trong những nguyên nhân khiến ngư dân chưa quan tâm đến bảo quản sản phẩm một phần là do các đại lý chỉ mua xô - mua đồng giá cho cả cá tươi lẫn cá ươn - mà không phân loại cá để mua với những mức giá khác nhau”, ông Tuấn nói.

Cũng như ngư dân đánh cá ven bờ, ngư dân đánh cá ngừ đại dương sử dụng chủ yếu tàu vỏ gỗ, hầm trữ cá không đảm bảo nhiệt độ, chủ yếu chỉ ướp cá bằng nước đá mà ngay cả đá lạnh cũng không đạt yêu cầu (vì có nguồn nước làm đá bị nhiễm phèn) làm chất lượng của thịt cá giảm.

Tính chung lại, số cá ngừ đáp ứng điều kiện để xuất khẩu nguyên con chỉ chiếm khoảng 5-6% số cá ngừ đánh bắt được, lãng phí một nguồn lợi không nhỏ.

Tiến sĩ Arata Izawa, chuyên gia về con cá ngừ của Công ty Yanmar, Nhật Bản giải thích thêm vì sao cá ngừ của Việt Nam không làm được món sushi hay các món ăn tươi sống khác là do khi câu được cá ngừ đại dương, ngư dân dùng chày gỗ để giết chết cá, cách làm này khiến cá quẫy mạnh, tăng quá trình trao đổi sinh hóa, dẫn tới chất lượng thịt cá ngừ giảm, sau đó, dù ngư dân có bảo quản tốt đến mức nào thì chất lượng cá vẫn giảm.

Còn ngư dân Nhật Bản khi câu được cá, việc đầu tiên là làm cho con cá ngừ “bình tĩnh” không vùng vẫy mạnh trước khi đưa lên tàu. Sau đó họ dùng dao thọc vào đầu để cá chết nhanh hoặc để cá ngừ còn sống vào hầm hạ nhiệt độ để giữ cá được tươi. Với cách làm đó, chất lượng cá ngừ của ngư dân Nhật Bản lúc nào cũng đảm bảo tiêu chuẩn để chế biến những món ăn tươi sống và dĩ nhiên giá bán cá cũng cao hơn nhiều lần so với giá cá chất lượng thấp bán cho các nhà máy đóng hộp.

Công ty Yanmar hiện là đối tác của Bộ NN-PTNT trong đề án nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cho ngành cá ngừ Việt Nam.

>> Ngày 2-4, tại Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) đã tổ chức Diễn đàn Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị. Buổi đối thoại có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ NN –PTNT, các nhà khoa học của Trường đại học Nha Trang và ngư dân câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên, Bình Định.. để trao đổi kinh nghiệm và phương pháp nâng cao được chất lượng cá ngừ đánh bắt để có thể xuất khẩu nguyên con sang Nhật Bản.

Ngọc Hùng

GROUPER CULTURE IN TAIWAN – Vietsub (Nghề nuôi cá bống mú ở Đài Loan – phụ đề Việt ngữ)

https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=84gdHsEJew0

22/1/14

Những sáng tạo ấn tượng trong trang trại nuôi tôm


Trong suốt quá trình làm việc, tôi đã có điều kiện đến thăm nhiều trang trại nuôi tôm tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, tại những nơi đó tôi đã nhìn thấy những sáng tạo ấn tượng được phát triển bởi chính những người nông dân. Những sáng tạo này là kết quả của rất nhiều thử nghiệm cũng như những thất bại trong quá trình ứng dụng của họ - những người nông dân nuôi tôm – một đối tượng quan trọng của nghề nuôi mà đôi khi chúng ta quên vinh danh. Trong bài viết này, tôi muốn thừa nhận và cảm ơn những người nông dân đã khởi xướng và chia sẽ những sáng tạo khéo léo này.

TỰ ĐỘNG CHUYỂN MẠCH HỆ THỐNG QUẠT NƯỚC
 
Khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong các trại nuôi tôm thường xảy ra vào ban đêm, khi mà mặt trời đã lặn và quá trình quang hợp không còn diễn ra trong ao nuôi. Giai đoạn này, tất các các dạng sinh vật sống trong ao (tảo, tôm, vi sinh vật …) đều sử dụng oxy cho quá trình hô hấp. Nếu như có sự cố mất điện và hệ thống quạt nước không hoạt động kịp thời thì việc thiếu hụt oxy ngay sau đó có thể làm cho tôm chết. Thêm vào đó, cần phải tốn nhiều điện năng hơn cho việc khởi động máy, điều này giống như việc bạn phải dùng số nhỏ để khởi động xe máy của bạn. Hãy thử tưởng tượng trang trại của bạn có 100 hệ thống quạt nước việc tái khởi động cùng lúc sẽ tốn điện năng gấp nhiều lần và có thể gây quá tải, cháy máy. Thông thường các trang trại sử dụng công lao động để chuyển đổi hệ thống quạt nước khi cúp điện từng dàn quạt một hoặc một nhóm các dàn quạt.
 
Tại một trang trại nhỏ tại Kudat – Sabah – Malaysia, một nông dân nuôi tôm đã có sáng tạo rất hay, đó là thiết bị tự động bật lên – tự khởi động (Auto – on device). Phát kiến sáng tạo này là một đồng hồ hẹn giờ (Timer Starter), mỗi đồng hồ hẹn giờ kiểm soát 5 – 6 hệ thống quạt nước . Khi có điện lại hoặc hệ thống điện dự phòng được khởi động, thiết bị tự khởi động sẽ khởi động 5 – 6 dàn quạt, mỗi dàn quạt sẽ khởi động với độ trễ khoảng 10 giây, do đó không có tình trạng gây quá tải, cháy máy. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản nhưng phải mất gần 20 năm để ứng dụng kỹ thuật chuyển đổi tự động này trong trang trại nuôi tôm.
 
2014-01-40.png
Đồng hồ hẹn giờ khởi động (timer starter) trong hệ thống tự khởi động (auto - on device)

DỤNG CỤ THU MẪU NƯỚC
 
Thiết thị thu mẫu nước chuyên dùng trong khoa học phân tích chất lượng nước ao hồ quá đắt đối với các trang trại nuôi tôm nhỏ, trong khi đó việc thu mẫu nước ao để kiểm tra hàng ngày là rất quan trọng, do đó người nuôi đã sáng tạo ra dụng cụ thu mẫu nước độc đáo như hình bên dưới.
 
Mô tả dụng cụ: Một đầu ống nhỏ được nối với một bình thu mẫu nước, chiều dài ống tùy thuộc vào độ sâu mực nước muốn thu mẫu. Trên bình thu mẫu nước có một lỗ nhỏ khoảng 6 mm đường kính.Ống được quấn quanh một cây với độ dài tương tự ống để giữ cho ống thẳng và đảm báo đưa được chai lấy mẫu xuống độ sâu cần thiết một cách dễ dàng.

2014-01-41.png
 
Thao tác lấy mẫu: Dùng ngón cái bịt một đầu ống, sau đó đưa chai thu mẫu xuống độ sâu cần thiết. Khi buông ngón cái ra, nước sẽ tự động chảy vào bình. Dùng ngón cái bịt đầu ống lại khi nước đầy bình và đưa chai nước mẫu lên bờ, buông ngón tay cái lần nữa để lấy mẫu nước ra khỏi chai lấy mẫu và tiến hành phân tích mẫu nước đã lấy.
 
 2014-01-42.png

PHÂN PHỐI HÓA CHẤT HOẶC PROBIOTIC TRỰC TIẾP ĐẾN KHU VỰC TÍCH TỤ CHẤT BẨN
 
Khu vực có chất lượng nước kém nhất trong ao nuôi thường ở xung quanh nơi gom tụ chất bẩn và thường ở giữa ao. Để phân phối hóa chất hoặc probiotic trực tiếp vào khu vực này, một “thiết bị” được chế tạo bao gồm một bồn chứa trên bờ co dung tích 30 – 50 lit dùng để pha thuốc, hóa chất hoặc probiotic, bồn chứa này được nối với một ống nhựa có đường kính khoảng 2,5 cm và được điều chỉnh bằng một van. Khi thuốc, hóa chất được trộn đều trên bể, van sẽ được mở và hỗn hợp thuốc, hóa chất sẽ được phân phối trực tiếp đến khu vực này.

2014-01-43.png

DỤNG CỤ THU HOẠCH TỪNG PHẦN (THU TỈA) TRÊN BỜ
 
Loại lưới nâng lớn này được thiết kế lần đầu tiên tại trang trại Tuaran – Sabah – Malaysia vào năm 2007. Lưới thu hoạch được cố định bởi khung sắt mạ kẽm có kích thước 6 m x 3,5 m. Đường kính của ống sắt mạ kẽm là 3,75 cm. Đầu dưới của hệ thống này được gắn với quả cầu bê tông với kích thước bằng quả bóng, và hệ thống nâng hạ lưới được điều khiển bằng dây thừng. Khi thu hoạch, dây thừng được thả ra và hệ thống lưới được tự động đưa xuống bề mặt đáy ao gần như vuông góc với bờ ao. Thức ăn được cho vào lưới và sau 10 phút thì lưới được nâng lên. Khoảng 100 kg tôm được thu hoạch cho mỗi lần như thế.

2014-01-44.png

BỐ TRÍ QUẠT NƯỚC TRONG AO DÀI
 
Hình bên dưới là cách bố trí hệ thống quạt nước trong ao dài với diện tích 8.000 m2 với hai khu vực gom tụ chất bẩn. Một sáng tạo khác của người nuôi.
 
 2014-01-45.png

2014-01-46.png
 
HỆ THỐNG LOẠI BỎ CHẤT THẢI TRUNG TÂM

2014-01-47.png
 
Hệ thống này được áp dụng rất phổ biến ở Indonesia, đặc biệt ở Sumbawa. Chất thải được loại bỏ thông qua hệ thống ống có đường kính 20 - 25 cm và được cắt bỏ nhiều phần trên thành ống (xem hình). Ở các ao nuôi có hệ thống ống cấp thoát ở hai đầu thì không áp dụng hệ thống loại bỏ chất thải trung tâm này. Các ống thoát được nối với một hố ga có ống dẫn ra ngoài. Hệ thống này rất thuận tiện vì không phải dùng nhân công để lặn siphon định kỳ. 
 
Lược dịch: KS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN – CÔNG TY VINHTHINHBIOSTADT
Tác giả: Poh Yong Thong – Tổng giám đốc - Nutrition and Technical Service in PT Gold Coin Indonesia. Ông có 28 năm kinh nghiệm trong nuôi trồng và quản lý thủy sản. 
Nguồn: Innovative ideas in shrimp farming - AQUA Culture Asia Pacific Magazine – Tháng 1 – 2/2014
http://www.vinhthinhbiostadt.com/vi/thong-tin-ky-thuat/nhung-sang-tao-an-tuong-trong-trang-trai-nuoi...